3 yếu tố quan trọng cần xác định trước khi thiết kế website

Sự thực là đang có rất nhiều doanh nghiệp thiết kế website không hiệu quả. Có nhiều lý do to và nhỏ, nhưng có thể tóm lại thành 3 lý do chính như sau:

  • Website không có chiến lược rõ ràng
  • Website yếu về nội dung
  • Website thiếu quảng bá

Website không có chiến lược rõ ràng

 

Website không có chiến lược rõ ràng tức là doanh nghiệp cần thiết kế website nhưng không nêu được mục đích cuối cùng cần đạt được là gì, chỉ nói chung chung là muốn có một website chuyên nghiệp, ấn tượng, đẹp mắt, hiện đại, dễ xem, thân thiện...

... Hầu hết các doanh nghiệp đều nói như thế. Nhưng đó không phải là chiến lược hay mục đích cuối cùng. Một chiến lược rõ ràng cần trả lời chi tiết cho các câu hỏi sau:

==> Bạn thiết kế website để làm gì?

Một website giới thiệu công ty sẽ khác hoàn toàn một website bán hàng trực tuyến, cũng không giống một website dành cho nhãn hàng, hay một website chuyên chăm sóc khách hàng.

Bạn càng nói rõ ý muốn của bạn, thì công ty thiết kế web càng có nhiều cơ hội đưa giải pháp tốt cho bạn.

==> Đối tượng xem website là ai?

Vì bạn thiết kế website không phải để cho chính bạn xem, mà chủ yếu là để cho người khác xem. Vậy việc xác định ai là người sẽ xem website thực sự quan trọng. Ví dụ website sẽ phục vụ cho các người xem là : Khách hàng tiềm năng, Khách hàng hiện hữu, Đối tác, Nhà đầu tư, Nhân viên nội bộ…

Vậy "Đối tượng nào là chủ yếu?"

==> Nhu cầu của họ là gì ? Họ muốn gì ở website của bạn?

Mỗi đối tượng này có những nhu cầu rất khác nhau. Ví dụ Khách hàng thì muốn tìm hiểu về công ty, về sản phẩm, dịch vụ, chính sách bán hàng của công ty. Nhà đầu tư thì quan tâm đến ban điều hành công ty, chiến lược công ty, cũng như các báo cáo tài chính, tình hình hoạt động của công ty. Ứng viên thì quan tâm đến thương hiệu của công ty, chính sách nhân sự...

Việc xác định đối tượng nào là đối tượng được ưu tiên phục vụ trên website sẽ quyết định nên thiết kế giao diện web như thế nào, phân bổ các chuyên mục chính phụ ra sao, nội dung website nên viết thế nào....

Tham khảo cây thư mục website www.vissan.com.vn: bấm vào đây


==> Bạn muốn người xem website cảm nhận như thế nào về công ty?

Đây mới là câu để trả lời những chuyên nghiệp, ấn tượng, đẹp mắt… theo quan điểm khác nhau của từng khách hàng.

==> Bạn muốn đạt được điều gì sau khi có website?

Tăng doanh số, tăng uy tín, tăng nhận biết…?

Sau khi trả lời 5 câu hỏi trên, thì chúng ta đã có một yêu cầu khá rõ ràng cho website. Việc còn lại là tìm một công ty thiết kế web có năng lực để thực hiện website đáp ứng yêu cầu.

 

Website yếu về nội dung

Sau khi website đã được thiết kế xong, thật đẹp, thật xinh, thật chuyên nghiệp, thì công việc coi như xong được .... 1 nửa. Nửa còn lại tốn khá nhiều công sức và thời gian là đổ dữ liệu vào website.

Nếu bạn đã có sẵn sàng, đầy đủ mọi dữ liệu cần thiết? Xin chúc mừng, bạn đã đi được 90% đoạn đường lê thê này. Việc còn lại chỉ là nhập liệu vào website sao cho đúng với phong cách thiết kế chung và đúng chuẩn SEO. Bạn có thể tự mình làm lấy công việc này, hoặc dùng dịch vụ nhập liệu của công ty thiết kế web, hoặc dễ dàng thuê một freelancer làm bán thời gian. Trong vòng 3-7 ngày mọi việc sẽ hoàn tất, tinh tươm từ đầu đến cuối.

Nếu website hầu như chưa có dữ liệu, cần phải viết mới hoàn toàn nội dung? E hèm, đây là công việc gần như là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với nhiều doanh nghiệp, là nguyên nhân chính khiến cho trang web đã hoàn thành phần “xác”, nhưng phần “ruột” vẫn còn đang "thi công kéo dài”, có khi đến hàng năm trời. Bạn có thể cân nhắc để lựa chọn “tự làm” hoặc “thuê dịch vụ làm” sau khi xem xét những yêu cầu của công việc này, như được liệt kê dưới đây:

Chiến lược về nội dung:

==> Bước 1: Lập danh mục từ khóa

Điều này cực kỳ quan trọng để làm cho website có nội dung đi đúng trọng tâm và có sức cạnh tranh cao trên các công cụ tìm kiếm. Đơn giản bạn chỉ cần trả lời câu hỏi "Website này nói về vấn đề gì?". Sau khi thoải mái liệt kê ra các từ, cụm từ có liên quan đến vấn đề chính, bạn sẽ thấy thông thường, một website sẽ có từ 30 – 200 từ khóa liên quan.

 

Hãy sử dụng các từ khóa để đặt tên cho các chuyên mục chính, và các chuyên mục phụ. Nếu không lập danh mục từ khóa ngay từ đầu, bạn dễ dàng có xu hướng đặt tên theo cảm tính, lắp đầy nội dung theo sự thuận tiện.

So sánh cây thư mục website 2 công ty Sữa:

(Các chuyên mục chính được đặt tên xoay quanh chủ đề Sữa, Thực phẩm Dinh dưỡng,
đọc là hiểu ngay website này nói về vấn đề gì)

 

(Tên chuyên mục rất trung lập, như mọi công ty khác đều có Trang chủ - Sản phẩm - Tin tức...
Nên cách đặt tiêu đề này không hiệu quả bằng trường hợp đầu)



==> Bước 2: Chú trọng xây dựng nội dung website thật hữu ích

Nếu như giao diện thiết kế của website rất quan trọng vì nó gây ấn tượng đầu tiên cho khách hàng, thì nội dung của website còn quan trọng hơn, vì nó quyết định hành động của khách hàng sau đó. Khách hàng cảm thấy có tin tưởng, thuyết phục để dẫn đến hành động mua hàng hay không là do các nội dung trên website dẫn dắt. Do đó, hãy hết sức quan tâm đến việc bạn nói điều gì trên website của mình, theo trình tự thế nào, với liều lượng ra sao.

 

 

Nói cho khách hàng, đồng thời đừng quên nói cho cả Google nghe nữa. Hãy sử dụng danh mục từ khóa đã làm ở bước 1 để bỏ vào nội dung chi tiết. Nội dung ở đây được hiểu đa dạng là các bài viết, hình ảnh minh họa, lời thuyết minh cho các video clip hoặc file download, hoặc thậm chí là nhạc nền... Bài viết càng chứa nhiều từ khóa trong tiêu đề, tên hình minh họa, trong nội dung bài thì nội dung website càng mạnh.

 

==> Bước 3: Liên tục cập nhật

Sau khi đã hoàn thành xong phần nội dung ban đầu để ra mắt website, cần phải tiếp tục chăm sóc website sau đó. Giống như sinh ra một đứa con chưa phải là xong, mà phải tiếp tục nuôi lớn nó. Đừng để một website làm xong, 4 năm sau quay lại vẫn thế. Tình trạng này gọi là làm website cho có, nên hiệu quả mà website mang lại cũng không đáng kể là điều đương nhiên.

Tiếp tục chăm sóc website nghĩa là không ngừng cập nhật thông tin vào website.

Thông tin gồm có 2 dạng là thông tin hoạt độngthông tin chăm sóc khách hàng.

Thông tin hoạt động là doanh nghiệp có hoạt động gì thực tế thì cần truyền thông lên website cho khách hàng tìm hiểu, nắm bắt. Từ hoạt động ra mắt sản phẩm mới, tuyển dụng, tái cơ cấu cho đến các sinh hoạt ngoại khóa, đào tạo nội bộ… Tất cả sẽ giúp cho người xem cảm nhận về doanh nghiệp như một thực thể sống động và phát triển, có cá tính, có văn hóa, có bản sắc riêng. Điều này góp phần vào làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thông tin chăm sóc khách hàng là những thông tin hướng dẫn cho khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Ví dụ: công ty thiết kế website thì nói về cách làm thế nào để xây dựng website cho hiệu quả, kinh nghiệm xây dựng website trong lĩnh vực abc là như thế nào, xu hướng thiết kế website hiện nay ra sao, tình hình website trong 10 năm nữa có thể sẽ phát triển theo chiều hướng nào….

Thông tin càng dày lên qua năm tháng thì website càng có giá trị. Giống như đứa con mới sinh năm nào nay đã trưởng thành. Thông tin càng hữu ích cho người xem thì hiệu quả website mang lại cho doanh nghiệp càng lớn. Người xem web không chỉ bị tác động để chuyển đổi hành vi từ xem hàng sang mua hàng, mà còn ghi dấu ấn về độ uy tín của thương hiệu.

 

Website thiếu quảng bá

Nếu để “hữu xạ tự nhiên hương” thì một website có thông tin hữu ích cho người xem cũng sẽ dần dần vào Top tìm kiếm. Nhưng phải mất nhiều thời gian.

Nếu doanh nghiệp muốn kết quả đến nhanh, đến liền, đến rầm rộ, bắt buộc phải đầu tư cho hoạt động marketing. Tùy theo ngân sách cho phép mà doanh nghiệp có thể chọn cách quảng bá online hay offline, chọn kênh lớn hay kênh nhỏ, chọn thuê dịch vụ hay tự làm.

Ở đây, bài viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng bản chất của website đơn thuần chỉ là một công cụ marketing. Website không phải là cây đèn thần có thể hô biến mọi thứ thành hiện thực. Càng không phải là bữa tiệc dọn sẵn. Thế nên hiệu quả đạt được phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn sử dụng công cụ này như thế nào.